Sưng phù chân ở phụ nữ mang thai thường được cho là “phù sinh lý”, tức là bình thường và “sanh xong sẽ hết phù”, sau khi đã loại bỏ nguyên nhân phù do thận (thử nước tiểu không thấy đạm) hay phù do cao huyết áp thai kỳ (nhiễm độc thai nghén). Sản phụ thường được khuyên nên giảm ăn mặn và nằm nghỉ ngơi cho hết phù. Thực ra, phù do mang thai có cơ chế khá rõ ràng và cần phải được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc. Đó là mang vớ bầu (một loại vớ y khoa), một phương pháp điều trị suy tĩnh mạch khá mới mẻ ở Việt Nam. Thậm chí, sản phụ nên mang vớ ngay cả khi chưa phù để bảo vệ tĩnh mạch tốt hơn và phòng tránh suy tĩnh mạch về sau.
Phù ở phụ nữ mang thai là gì?
Là tình trạng phù chân trong lúc mang thai, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Thực sự đó là biểu hiện của tình trạng suy tĩnh mạch trong thai kỳ gặp khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Cũng có khi mang thai không phù rõ hoặc chỉ thấy giữ nước toàn thân (mập ra và tăng cân), thì cũng không có nghĩa là tĩnh mạch hoàn toàn không bị tổn thương. Suy tĩnh mạch sẽ xuất hiện trễ hơn những người bị phù trong lúc mang thai, có thể là sau 5-7 năm.
Biểu hiện của suy tĩnh mạch sau sanh là gì?
Tỷ lệ phụ nữ mang thai lần đầu bị suy tĩnh mạch sau sanh là 50%, tức là cứ 2 phụ nữ sanh con so thì sẽ có 1 người bị suy tĩnh mạch về sau. Về sau là bao lâu? Tùy theo điều kiện làm việc của người đó có kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ như ít vận động hay không, nhưng tính trung bình là 3-5 năm sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng sớm của suy tĩnh mạch như mỏi chân, nặng chân, đau nhức chân, phù chân, vọp bẻ (chuột rút), cảm giác kiến bò…
Các triệu chứng này càng nặng khi càng về cuối ngày làm việc, tối ngủ gác chân cao hơn tim thì hết, sáng dậy thấy bình thường, nhưng về chiều lại bị đau nhức… Chu kỳ này cứ lặp đi lặp và ngày càng xuất hiện sớm hơn trong ngày. Cũng có thể chỉ thấy nổi tĩnh mạch mạng nhện gây mất thẩm mỹ chân mà không có bất kỳ than phiền nào như đau nhức, mỏi chân… như kể trên.
Đối với phụ nữ mang thai lần thứ hai, thứ ba thì tỷ lệ suy tĩnh mạch sau sanh cao hơn nhiều. Điều này cho thấy suy tĩnh mạch sau sanh ở phụ nữ mang thai khá phổ biến, có thể xuất hiện ngay trong lúc đang mang thai, mà biểu hiện dễ thấy nhất là sưng phù chân, nhất là vùng mắt cá chân.
Như vậy, sưng phù chân ở phụ nữ mang thai (sau khi loại bỏ nguyên nhân phù do thận và do nhiễm độc thai nghén – cách điều trị hoàn toàn khác) thực chất là suy tĩnh mạch xuất hiện trong lúc đang mang thai. Do vậy việc giảm ăn mặn sẽ không có tác dụng, và nằm nghỉ ngơi chỉ là giải pháp tạm thời. Thay vào đó nên điều trị như một bệnh suy tĩnh mạch thực thụ.
Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị suy tĩnh mạch?
Khi bắt đầu mang thai, những biến đổi của thai nhi và nội tiết tố suốt thai kỳ làm tăng gánh nặng cho tĩnh mạch chân. Thai nhi lớn dần làm tăng choáng chỗ trong khoang bụng, ép trực tiếp vào các tĩnh mạch ở bụng, do đó làm cản trở đường về của các tĩnh mạch ở chân, vốn dĩ về tim thông qua các tĩnh mạch ở bụng. Thêm vào đó, nội tiết tố tiết ra trong lúc mang thai có tác dụng làm mềm và trương to tất cả các cơ quan, trong đó có tĩnh mạch chân. Do tĩnh mạch mềm và yếu hơn bình thường nên rất dễ bị tổn thương, dãn ra và gây phù do thoát dịch từ lòng mạch ra mô xung quanh.
Phù sẽ biến mất sau sanh, vậy có nên làm gì khác không?
Tình trạng phù này phần lớn sẽ thấy hết hẳn ngay sau sanh, do sự chèn ép bởi thai nhi không còn. Hơn nữa, trong tháng đầu, thường sản phụ có thói quen ít đi lại mà chủ yếu là nằm nghỉ, nên không thấy phù, ít nhất là trong thời gian một tháng hậu sản này. Thực ra, tĩnh mạch đã bị tổn thương và ít nhiều bị dãn, nên sự xuất hiện các triệu chứng sớm trong thời gian ngắn là không tránh khỏi.
Thời gian xuất hiện triệu chứng sớm hoặc phù phụ thuộc vào mức độ tổn thương tĩnh mạch trong lúc mang thai, yếu tố cơ địa từng người, và những yếu tố nguy cơ người đó đang phải gánh chịu hàng ngày. Tuy nhiên, lúc này người ta lại nghĩ là do một nguyên nhân khác, mà ít ai nghĩ đến “nguyên nhân xâu xa” là do mang thai, nhất là sau mang thai lần thứ hai trở đi.
Nên làm gì khi bị phù trong thai kỳ?
Nên đi khám thai định kỳ để loại trừ nguyên nhân phù do tổn thương thận hoặc do nhiễm độc thai nghén. Khi đã loại trừ hai nguyên nhân này, thì yên tâm điều trị như một bệnh suy tĩnh mạch: mang vớ bầu.
Khái niệm mang vớ y khoa còn khá lạ với nhiều người, nhưng rất hiệu quả và khá phổ biến ở các nước phát triển. Tốt nhất là nên mang vớ y khoa loại dành cho phụ nữ mang thai, gọi là vớ bầu (loại này giống vớ da liền quần, nhưng phần bụng sẽ dãn dần theo sự lớn dần của thai nhi). Cũng có thể mang loại vớ tới đùi thay vì vớ bầu. Không nên mang vớ gối vì lúc đó, tĩnh mạch ở đùi không được bảo vệ.
Việc mang vớ bầu sẽ làm giảm phù tức thì, và không cần dùng thêm bất kỳ một loại thuốc nào khác. Đây là phương pháp hoàn toàn cơ học, không có thuốc nên không ảnh hưởng đến thai nhi, trái lại, còn làm cho thai nhi phát triển tốt hơn.
Lợi ích của việc mang vớ bầu?
Ngoài việc làm giảm phù hiệu quả, vớ bầu còn mang nhiều lợi ích khác đến sản phụ và thai nhi.
Thứ nhất là làm tăng tốc độ tuần hoàn máu nhờ tạo một độ dốc áp lực do kỹ thuật đan vớ tạo ra. Tốc độ máu chảy nhanh hơn đồng nghĩa với tưới máu đến các cơ quan tốt hơn, cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi nhiều hơn, tốc độ đào thải chất thải và khí carbonic nhanh hơn. Tốc độ dòng máu chảy nhanh cũng ngăn chặn sự hình thành huyết khối tĩnh mạch (tạo lập cục máu đông trên thành mạch) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thứ hai là vớ bầu sẽ nâng đỡ các tĩnh mạch suốt thai kỳ, phòng tránh sự tổn thương do quá tải tĩnh mạch gây ra, do đó phòng ngừa suy tĩnh mạch về sau.
Nên mang vớ lúc nào?
Vớ bầu được mang từ tháng thứ ba hoặc thứ tư trở đi cho đến hết 6 tuần sau sanh, tức là hết thời kỳ hậu sản, vì lúc này tĩnh mạch còn bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố nên còn dễ bị tổn thương. Nên mang vớ suốt ngày, chỉ cởi vớ ra khi nằm nghỉ.