TÌM HIỂU BỆNH SUY TĨNH MẠCH
Suy tĩnh mạch là gì?
Suy tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là các tĩnh mạch bị quá tải, căng dãn ra, làm thoát dịch ra mô xung quanh gây ra các triệu chứng tại chỗ như mỏi chân, nặng chân, vọp bẻ (chuột rút), đau nhức bắp chân, ngứa da, phù chân… Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch… nếu ngay từ giai đoạn sớm không được điều trị đúng cách.
Ai dễ bị suy tĩnh mạch?
Suy tĩnh mạch khá phổ biến trong dân số chung, nhất là những người làm việc phải đứng hoặc ngồi lâu, ít vận động cơ bắp chân như: nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, công nhân…Đối tượng rất dễ bị suy tĩnh mạch là phụ nữ mang thai. Lúc mang thai có thể có biểu hiện của phù hay nổi tĩnh mạch, dãn tĩnh mạch hoặc không có biểu hiện gì. Ngay sau sanh có thể những biểu hiện này “biến mất”. Tuy nhiên, sau sanh 3-5 năm, phần lớn phụ nữ bắt đầu có những triệu chứng sớm của suy tĩnh mạch.
Tại sao bị suy tĩnh mạch?
Những yếu tố làm tăng áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp lên tĩnh mạch trong thời gian dài đều gây ra suy tĩnh mạch: mang thai, khiêng nặng, táo bón, ngồi xổm hoặc bắt tréo chân, mặc quần bó sát…
Nhóm nguyên nhân thứ hai là những yếu tố làm yếu thành mạch: mang thai, mãn kinh, thuốc ngừa thai…Hoặc làm dãn trực tiếp thành mạch như cồn, dầu nóng, hơi nóng, nước nóng…
Cuối cùng là những yếu tố làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa tác dụng bơm của cơ và khớp ở chân, nhất là cơ bắp chân và khớp cổ chân.
Làm sao nhận biết suy tĩnh mạch?
Khi bệnh đã nặng, có thể thấy các tĩnh mạch (các đường gân xanh) nổi phồng lên dưới da và ngoằn ngoèo, càng ở dưới thấp càng nổi rõ.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm của bệnh, có thể không thấy các tĩnh mạch nổi mà chủ yếu là những than phiền như: nặng chân, mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, hoặc phù chân, rõ nhất ở vùng mắt cá và trước xương chày (dùng ngón tay ấn trong vài giây vào vùng da sát xương ở vùng mắt cá và trước xương chày – còn gọi ống quyển – rồi thả ra, nếu có phù thì sẽ thấy vết dấu tay lõm sâu xuống da không mất đi mà một lúc lâu sau mới đầy lại).
Các triệu chứng ở giai đoạn sớm thường xuất hiện vào lúc đi làm, và càng về cuối ngày làm việc thì càng nặng. Những triệu chứng này thường biến mất vào sáng hôm sau, sau khi ngủ gác chân cao hơn tim. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng hơn, xuất hiện ngày càng sớm hơn trong ngày. Ngoài những khó chịu này thì bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ suy sụp hay giảm sức khỏe toàn thân, vẫn làm việc gần như bình thường.
Nếu có những biểu hiện này thì bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán xác định.